Sử dụng nái cao sản trong chăn nuôi trang trại là xu hướng phổ hiện hiện nay do đẻ nhiều, chỉ số PSY cao (số heo con cai sữa /nái /năm), quyết định lợi nhuận của người chăn nuôi (Ocepek M, 2017). 20 năm gần đây, chúng ta đã cải thiện 0,2 heo con /lứa /năm, tăng số con đẻ ra còn sống và cai sữa từ 10,2-13,8 và 9,1-12,6 con (BdPorc, Spain, 2020). Tuy nhiên, có tương quan nghịch giữa số con đẻ ra và khối lượng sơ sinh. Nái đẻ nhiều sẽ có khối lượng sơ sinh nhỏ, nếu dinh dưỡng không hợp lý dẫn tới khối lượng cai sữa thấp, thời gian nuôi tới xuất thịt kéo dài, chi phí chăn nuôi tăng lên và lợi nhuận sẽ không như kỳ vọng (SEGES, 2018).
Một trở ngại khác là lượng thức ăn ăn vào của nái cao sản thấp, không đủ dinh dưỡng sản xuất sữa đã làm tăng khối lượng hao hụt heo mẹ trong thời gian nuôi con (15-20% khối lượng cơ thể) (Eissen et al., 2000), đây là nguyên nhân làm giảm chu kỳ sinh sản, tăng thời gian lên giống lại sau cai sữa và giảm năng xuất sinh sản lứa kế tiếp (Knox RV, 2020)
CJVina Agri đã áp dụng những công nghệ mới trong bộ sản phẩm thức ăn heo nái nuôi con nhằm cải thiện lượng thức ăn ăn vào, tăng quá trình chuyển hóa năng lượng, bổ sung nguồn sữa nhân tạo cho heo con, từ đó giảm thiểu hao hụt khối lượng heo mẹ và cải thiện độ đồng đều và khối lượng heo con sau cai sữa
Rối loạn sinh sản sau khi sinh là phức hợp bệnh quan trọng ở nái trên toàn thế giới. Rối loạn này thường gọi là viêm vú, viêm tử cung, mất sữa (MMA), hội chứng mất sữa sau khi sinh (PPDS). MMA thường xảy ra trong 3 ngày sau khi sinh làm giảm năng suất sinh sản và tăng tỉ lệ chết ở heo con. Heo con phụ thuộc hoàn toàn vào sữa đầu và sữa mẹ để sống và sinh trưởng, 3 ngày đầu sau khi sinh là giai đoạn quan trọng nhất cho sự sống còn của heo con. Không đủ sữa đầu dẫn đến heo chết chủ yếu do đói và giảm thân nhiệt.
Heo nái bị hội chứng MMA thường có dấu hiệu bị táo bón, sốt trên 39,5oC và giảm ăn 1-2 ngày. Heo nái mất sự ngon miệng, cùng với tâm lý bồn chồn, có khi bị đau không cho heo con bú, heo nái nằm sấp giấu vú xuống nền chuồng. Đôi khi thể hiện từng triệu chứng riêng lẻ, nhưng có khi hiển thị tất cả các dấu hiệu (viêm vú, viêm tử cung, mất sữa). Bầu vú bị viêm cứng, sưng đỏ đau khi sờ nắn. Sản lượng sữa giảm thấp. Dịch mủ chảy ra từ âm hộ có màu trắng đục, mùi tanh, hôi thối.
Giai đoạn chuyển tiếp từ cuối thai kỳ sang đầu nuôi con tuy ngắn (ngày 105 mang thai tới ngày 5 nuôi con) nhưng rất quan trọng đối với năng suất của dòng nái cao sản. Thời kỳ này có sự biến đổi lớn về sinh lý, sinh hóa trong cơ thể heo nái do sự phát triển nhanh của bào thai, sự tăng trưởng tuyến vú, quá trình sản xuất sữa non và thay đổi nhu cầu nhu cầu duy trì cơ thể. Thông thường, các nhà dinh dưỡng chỉ xây dựng hai công thức khác nhau cho 2 giai đoạn tương ứng là mang thai và nuôi con. Tuy nhiên, cần thiết xác định ít nhất 3 giai đoạn với 3 khẩu phần ăn khác nhau của 1 chu kỳ sinh sản đó là mang thai –chuyển tiếp – nuôi con mới đáp ứng đầy đủ nhu cầu nái cao sản (Feyera et al., 2017; Batson et al., 2018; Holen et al., 2020).
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy hiệu quả rõ rệt khi áp dụng chương trình cho ăn ‘chuyển tiếp’ so với các chương trình 2 giai đoạn truyền thống. Heo nái ăn khẩu phần ‘chuyển tiếp’ đã TĂNG 2.7-3.2% khối lượng heo con sơ sinh còn sống; 0.6 kg /1 heo con cai sữa, 0.75 heo con và 50kg heo thịt /nái /năm, và GIẢM 2,5-3,5% tỷ lệ chết do lưu thai và sau sinh 24 giờ của heo con; thời gian đẻ 19.5 phút /heo con; tỷ lệ táo bón của heo nái từ 14.67% xuống còn 5.78% (Miller et al., 2020; Gourley et al., 2020; CJ R&D center, 2020; 2021)
Hiệu quả sử dụng khẩu phần chuyển tiếp (PIG PROGRESS, 2020)
CJ Vina Agri đã áp dụng các công nghệ mới trong sản phẩm thức ăn heo nái ‘chuyển tiếp’ nhằm đáp ứng chính xác nhu cầu dinh dưỡng và phù hợp với thay đổi sinh lý, sinh hóa của heo nái cho giai đoạn đặc biệt này với mục tiêu tăng năng suất sinh sản và tối đa hóa lợi nhuận cho người chăn nuôi